Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

TQ sắp hết cơ hội biện hộ “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông

Thời hạn mà Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc giao cho Trung Quốc để tham gia vụ kiện "đường lưỡi bò" do Philippines khởi xướng sẽ hết vào ngày 15/12 tới đây.

Thời hạn cuối cùng để Trung Quốc chấp nhận tham gia vụ kiện và giải thích về “đường lưỡi bò” phi lý, phi pháp mà họ đơn phương vạch ra trên Biển Đông trước tòa án quốc tế theo đơn kiện do Philippines đệ trình.

Trước đó, Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc ở The Hague (Hà Lan) đã ra thời hạn cuối cùng cho Trung Quốc trước ngày 15/12 phải đưa ra quyết định có tham gia vụ kiện của Philippines về tính pháp lý của “đường chín đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò) mà họ tự tuyên bố trên Biển Đông hay không.


Tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu Philippines hoạt động trên Biển Đông
Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc sẽ vẫn ngang nhiên tiếp tục hoạt động bành trướng của mình trên Biển Đông, bất chấp tòa án và dư luận quốc tế nói gì, và bất chấp cả bản báo cáo gần đây của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Bản báo cáo do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước nhấn mạnh rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vừa không rõ ràng vừa không nhất quán.

Báo cáo này cho hay ngay cả những tấm bản đồ mà Trung Quốc xuất bản cũng “thiếu sự chính xác, rõ ràng và nhất quán để có thể truyền tải bản chất và phạm vi của tuyên bố chủ quyền trên biển”.

Báo cáo Biển Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận: “Có vẻ như không có luật pháp, tuyên bố hay bất cứ văn bản chính thức nào của Trung Quốc mô tả và thông báo cho cộng đồng quốc tế về tuyên bố chủ quyền của họ đối với vùng biển trong đường 9 đoạn”.

Ngay lập tức, hôm thứ Ba vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã sử dụng những lời lẽ gay gắt để phản đối bản báo cáo Biển Đông của Mỹ.


Hoạt động xây đảo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông

Hồng Lỗi tuyên bố: “Mỹ đã vi phạm cam kết không thiên vị và không ngả về bên nào trong vấn đề Biển Đông, và động thái này là không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Cho đến nay, mặc dù “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị Philippines kiện ra tòa án quốc tế, song Trung Quốc vẫn kiên quyết không tham gia vụ kiện này khi viện cớ rằng Tòa Trọng tài Thường trực không có quyền phân xử đối với tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Song song với đó, Trung Quốc còn đẩy mạnh hoạt động đào đắp, biến một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo để xây dựng căn cứ quân sự và đường băng sân bay.

Tiến sĩ Malcolm Davis, giáo sư tại Đại học Bond, Úc nhận định: “Đây là một diễn biến rất đáng lo ngại. Nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc chỉ đơn giản là quay sang sử dụng các phương tiện bất hợp pháp để tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh thổ mà họ không kiểm soát”.

Với việc thời hạn cuối cùng mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra cho Trung Quốc sắp hết, cuộc chiến ngoại giao đối với những tuyên bố và hành động trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc đang dần trở thành một vấn đề toàn cầu.


Tàu chiến Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông

Tiến sĩ Davis cho rằng những phản ứng quyết liệt của Mỹ trước các động thái của Trung Quốc trong thời gian gần đây là có thể hiểu được.

Ông nói: “Vấn đề đối với Mỹ là tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế. Nếu Mỹ cho phép Trung Quốc kiểm soát các vùng biển quốc tế và hạn chế quyền tự do hàng hải trong khu vực ở Biển Đông, nó có thể mở ra cánh cửa cho Trung Quốc thực hiện các hành động tương tự ở khu vực khác, hoặc để các nước khác có những hành động như vậy”.

Chuyên gia này giải thích thêm: “Nếu việc này xảy ra, tuyến hàng hải chiến lược cho cả tàu bè dân sự và quân sự qua Biển Đông có thể bị cắt đứt, thế nên Mỹ hoàn toàn có quyền tham gia vào vụ việc để đảm bảo viễn cảnh đó không xảy ra”.
TRÍ DŨNG (Theo Reuters, Diplomat) / danviet.vn

0nhận xét:

Đăng nhận xét