Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Tiếng trống ở Mỹ Đình

Theo lối hành văn thông thường, người ta sẽ nói rằng các khán đài Mỹ Đình “chết lặng” sau bàn thắng thứ tư của Malaysia. Nhưng không, nếu xem lại tình huống đó, bạn sẽ nhận ra rằng trong lúc Bin Adan ăn mừng, phía sau vẫn vẳng lên những hồi trống cổ vũ, như suốt từ đầu trận đấu.

Đó là hình ảnh mà tôi sẽ nhớ nhất về trận đấu này. Trong suốt hiệp hai, tiếng trống ấy vẫn được tiếp tục “minh họa” bằng những tiếng hò reo, như thể đội tuyển của chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội, chứ không phải đã rất gần với tuyệt vọng khi tỷ số là 1-4.

Tôi bị ám ảnh bởi một bài viết của nhà thơ Phan Thị Vàng Anh cách đây nhiều năm, về sự thất bại của Hàn Quốc ở bán kết World Cup 2002, sau khi đã bất ngờ vào sâu đến vòng này. Đội bóng đối mặt với vô số chỉ trích từ các bình luận viên, chuyên gia bóng đá; dù chính những người này trước đó đã hết lời ca tụng họ. Nhưng các cổ động viên Hàn Quốc lại khác. Trong bài "Đánh kẻ ngã ngựa", Phan Thị Vàng Anh viết: "Thế nên tôi thích cái cách cổ động viên Hàn Quốc hô to rồi đồng loạt giơ tay ra sau mỗi tiếng hô, mặt nghiêm trang và đáng tin cậy, như bố mẹ giơ tay sẵn sàng đón con rơi từ trên lưng ngựa xuống, thấy mới nhân nghĩa làm sao".

Hôm nay, tôi được nghe thấy một hồi trống cổ vũ đúng vào lúc mà sự tuyệt vọng ập đến. Hôm nay, sau khi hết trận đấu và mở máy tính ra, tôi thấy bài viết đầu tiên mà đồng nghiệp, ở một tờ báo có tiếng là “khắc nghiệt” với bóng đá trong nước, chia sẻ, là một bài về niềm tin và sự kiên nhẫn. Hôm nay, tôi không nhìn thấy cái sự “đánh người ngã ngựa”. Một biên tập viên tường thuật từ sân rằng đã có xô xát của chính cổ động viên Việt Nam với nhau trên khán đài. Nếu điều đó có thật thì cũng không lạ. Nhưng tôi vẫn tin vào tiếng trống, và tin rằng những người bốc đồng chỉ là thiểu số.

Sau trận lượt đi, đã có nhiều người lẫn lộn giữa thể thao và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Họ tràn vào Facebook của cầu thủ Safiq Rahim dọa chém, dọa trả thù cho những người Việt bị hành hung trên khán đài. Điều đó khiến nhiều người lo sợ. Chủ nghĩa dân tộc và thể thao khi “hợp thể” làm một - đôi lúc gia tăng niềm tự hào dân tộc, nhưng cũng thường xuyên tạo ra những bi kịch. Từng có một cuộc chiến tranh đẫm máu ở Nam Mỹ xuất phát từ sân bóng, đã có nhiều người chết trong những cuộc chiến mượn khán đài thể thao làm đấu trường cho động cơ khác. Đã hơn một lần, khi người ta không phân định được thể thao và chủ nghĩa dân tộc, những mâu thuẫn ngoại giao xảy ra.

Không cần ở tầm quốc tế, mà cái cách những người xô-vanh nâng tầm một trận bóng lên thành “chủ nghĩa địa phương” hoặc để giải tỏa ẩn ức cá nhân, V-League cũng đã hứng chịu nhiều. Đã có máu đổ, không phải một lần. Nhiều người đã lo sợ rằng Mỹ Đình hôm nay sẽ là nơi người ta đánh đồng thể thao với chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ít nhất, người Malaysia sợ điều đó, họ đã trả lại phần lớn vé xem trận đấu cho VFF.

Nhưng khi nghe tiếng trống ở Mỹ Đình, tôi bỗng nuôi một niềm tin, rằng những cổ động viên của chúng ta, hay phần lớn trong số họ, hiểu được bản chất của thể thao chỉ là một cuộc vui - không có ý định nâng tầm nó lên thành một thứ cảm xúc cực đoan.

Điều gì đã tạo ra tâm lý ấy? Có thể đó là niềm hy vọng quá lớn vào thế hệ tương lai của bóng đá Việt Nam. Có thể đó là sự tin tưởng vào trình độ của huấn luyện viên Miura sau những ngày ông dẫn dắt đội tuyển. Có thể, đó là tín hiệu của sự cải thiện văn hóa chung.

Nếu cái tâm lý coi bóng đá chỉ là... thể thao ấy được nhân lên, tôi tin rằng đó chính là tiền đề để phát triển bóng đá bền lâu. Tôi tin chúng ta sẽ thành công trong một cuộc chơi nếu chúng ta thực sự muốn chơi, chứ không phải coi thành tích là một thứ gì trọng đại.

Đức Hoàng / vnexpress.net

0nhận xét:

Đăng nhận xét