Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Chiếc vương miện giá 30.000 USD: Ai nhân danh cái đẹp để cứu rỗi thế giới?

Chuyện chiếc vương miện (có lẽ là tất cả các thứ “vương miện” có ‘quyền’ là có thể sinh ra tiền, kể cả chức vụ, ghế ngồi đứng đầu một ngành, một sở…) bị dàn xếp, sắp đặt với giá 30.000 USD (Motthegioi, 15:48, 11.12.2014), có lẽ là chuyện độc nhất vô nhị đầy đau xót, ê chề của đất nước thời kim tiền làm nổi loạn, đảo lộn cả nền tảng đạo đức, mọi giá trị thẩm mỹ - kể cả phẩm giá con người.

Hình ảnh trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 (ảnh minh họa).
Các nhà mỹ học hàng đầu của thế giới suốt hàng trăm năm nay đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn về sự vô giá, sự phi thường của cái đẹp với vô số mỹ từ đẹp gần bằng… cái đẹp! Nào là cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới, nào làcái đẹp là giá trị thẩm mỹ không thể định lượng, nào là cái gì cũng có thể mua được, trừ cái đẹp… Chắc chắn, các chuyên gia về thẩm mỹ không hề sai trong thời đại mà họ sống, hay ít nhất, trong môi trường của họ thời điểm đó.

Thế nhưng, tất cả họ đều đã phải choáng váng nếu đến nước ta vào cái thời buổi mà không ai hiểu nổi điều gì đang diễn ra: Tất cả đều có thể đem ra ngã giá và, nguyên tắc của cái sự mặc cả chợ trời gian xảo ấy, dễ hiểu hơn cả cái lý của trái bí, đó là, cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua dễ với rất nhiều tiền.


Nội dung cuộc ngả giá chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu do ông bầu Việt kiều Minh Chánh tổ chức được truyền nhau nhanh chóng trên mạng xã hội.

Một lần nữa, tất cả lương tâm và đạo đức lại sai: Cái vương miện được ‘sinh ra’ để tôn vinh sắc đẹp, trí tuệ từ một giá trị đẹp, tâm hồn của một nhân cách đẹp, thật ra có cái giá chẳng đắt một tý nào, chỉ với 30.000 USD, tức là chưa bằng một nửa giá của chiếc túi xách Hermes mà một tiểu thư, quý bà của một quan chức nào đó đã mua!

Phẫn nộ, đau đớn, hoang mang…, tất cả đều là không đủ. Chắc hẳn, một lần nữa ta lại phải học theo cách nói của Charles Peirce, cha đẻ của chủ nghĩa thực dụng để định chân giá trị của “thời đại nhố nhăng” rằng cái gì mua được cũng đều rẻ cả.

Qua đây ta có thể đặt câu hỏi, tại sao người ta, nhân danh thi sắc đẹp để tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, để quảng bá công nghệ, để phát triển văn hóa, du lịch…, thật ra chỉ là để dàn xếp, móc ngoặc, lừa đảo cả đất nước bằng cái sự bán mua kinh khủng khiếp, tệ tàn mà không hề thấy xấu hổ, không một chút mặc cảm với lương tâm?

Hàng chục triệu con người ngây thơ, cả tin và dại dột đến mức để dễ bị lừa, bị sỉ nhục dễ dàng như vậy sao? Không lẽ các cơ quan chức năng với đủ lệ bộ ban ngành thanh tra, kiểm soát, bảo vệ văn hóa đều bị bịt mắt để không thể nào nhìn thấy cái sự thật nhãn tiền là người ta có đủ cách thức để quay hướng, đổi chiều ban giám khảo, dư luận nếu có gì đó… xẩy ra hay trục trặc.Các ông bầu, các quan chức của cái gọi là các cuộc thi trả lời sao trước dư luận rằng họ không biết, không thấy, không hay?


Ngọc Trinh từng đăng quăng Hoa hậu Việt Nam hoàn cầu

Bây giờ thì chúng ta có quyền đặt câu hỏi rằng phải chăng hầu hết mọi cuộc thi lâu nay chỉ là trò đùa giỡn của kim tiền? Từ hoa hậu có thể suy ra nhiều thứ lắm bởi ngẫm cho đến cùng hoa hậu cũng chỉ là một cái ghế quyền lực trong xã hội mà thôi. Một khi đã có cái ‘ghế’ đó là có tất cả, từ tiền quảng cáo đến lăng xê hình ảnh để ‘đầu tư’ tiền sẽ sinh ra tiền chứ không phải cái đẹp sinh ra sự cứu rỗi và cao cả như mọi sự vọng tưởng vẫn ước ao...

Khi những dòng chữ này đang lăn trên bàn phím với sự tức tưởi đắng cay, người viết bài mong rằng giá như tất cả những dòng tin trên kia chỉ là sự nhầm lẫn thì tốt biết bao nhiêu…

Không thể chấp nhận cái sự thật phũ phàng và tàn nhẫn rằng con người có thể nhân danh cái đẹp để chà đạp nó và mai mỉa, đùa cợt cả xã hội bằng sự dối lừa tàn nhẫn, vô lương. Tất cả phải bị trừng phạt vì ai cũng biết rằng cái đẹp mong manh và dễ tàn lụi lắm, giữ được nó, bảo vệ nó là quý giá vô cùng.

Chẳng lẽ ta cứ để mặc cho mọi giá trị luân thường, đạo lý cứ mãi bị dập vùi thê thảm, đắng cay?...

Hà Văn Thịnh / motthegioi.vn

0nhận xét:

Đăng nhận xét