Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Bầu Kiên khóc nói lời sau cùng

"Bầu" Kiên cầm giấy đọc lời sau cùng trước toà.
Chiều 11.12, tại phiên toà phúc thẩm xử Nguyễn Đức Kiên và 5 đồng phạm, sau khi kết thúc phần tranh tụng và chuyển sang nghị án, HĐXX đã cho các bị cáo nói lời sau cùng. Trước toà, “Bầu” Kiên đã bật khóc khi nói lời cuối khi nhắc đến gia đình, vợ con, bạn bè.

Mong HĐXX xem xét lời kêu oan

Trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cầm giấy đọc: “35 năm làm việc, tôi chưa bao giờ cầm giấy để nói. Nhưng để tránh không kìm nén cảm xúc, tôi xin được đọc lời cuối cùng của tôi. Tôi không nói về nhân thân, về những việc đã làm vì tôi tin tôi hoàn toàn không có tội. Tôi chỉ xin cám ơn bố mẹ tôi - những nhà giáo đã nuôi tôi khôn lớn. Tôi tự hào vì nhưng đóng góp của bố mẹ tôi cho sự nghiệp nước nhà. Con cảm ơn bố vì nhưng trận đòn mà nhờ nó con đã trưởng thành, đứng vững đến hôm nay. Xin cảm ơn bạn bè đã giúp đỡ trong lúc khó khăn nhất. Đặc biệt tôi xin cám ơn vợ tôi là người chưa bao giờ kinh doanh đã phải đứng ra gánh vác công việc, chăm lo gia đình, con nhỏ”. Khi nhắc tới những người thân gia đình, bị cáo Kiên bật khóc và dừng lại trong chốc lát.

Tiếp lời, “Bầu” Kiên nói: “27 tháng qua, kể từ ngày tôi bị bắt đến nay tôi luôn khẳng định tôi vô tội. Tôi bị bắt, kết án vì những tội tôi không làm. Tôi đã gửi nhiều đơn song không nhận được hồi đáp. Trong phiên sơ thẩm, hàng trăm tài liệu, dẫn chứng, tôi và luật sư đưa ra không được xem xét. Tại phúc thẩm, tôi đã đưa ra những chứng cứ gỡ tội song đáng buồn là VKS tiếp tục không xem xét đến”.

Phân tích về hành vi phạm tội của Mình, “Bầu” Kiên nói: “Tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi tôi bức xúc nhất. Toà sơ thẩm đã kết án tôi 20 năm cho tội danh này khi tôi không có ý định lừa đảo, không có động cơ lừa đảo. Tôi không bao giờ lừa đảo bạn bè tôi, anh Long - một người bạn lâu năm của tôi. Các sơ suất trong các giao dịch kinh tế, dân sự, nếu không phải là cố ý, không phải là gian dối, thì không phải là hành vi phạm tội. Chúng tôi không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ai cả. Tôi rất đau xót khi anh Thanh, chị Yến bị ngồi tù oan. Tôi với anh Long là hai người bạn thân, giờ một người bị đẩy vào tù oan, người bị mang tiếng oan đẩy bạn vào tù. Tôi khẩn thiết đề nghị HĐXX xem xét kỹ”.

"Về việc ủy thác gửi tiền, cá nhân tôi không liên quan và không chịu trách nhiệm gì về các quyết định của Thường trực HĐQT. Số tiền 718 tỉ đồng là Huyền Như chiếm đoạt của VietinBank, không phải ACB… Việc ACB chưa thu hồi được 718 tỉ đồng là lỗi của ai là việc phải làm rõ… Đề nghị HĐXX xác định tôi không phạm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng…” - “Bầu” Kiên nhấn mạnh. "Kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật bị kết tội kinh doanh trái phép. Không trốn thuế bị kết tội trốn thuế. Không lừa đảo ai bị kết tội lừa đảo… Đó là oan sai mà tôi đang phải gánh chịu…”- "Bầu" Kiên nói.

Lời cuối, bị cáo Kiên khẳng định: "Trong quá trình tố tụng, do bị ức chế, tôi có thể có những ngôn từ không phù hợp, gây khó chịu cho một ai đó, đây là điều nằm ngoài chủ ý của tôi. Tôi không có thủ đoạn gây án, không là sân sau của bất kỳ ai. Tôi chỉ kinh doanh và có niềm đam mê bóng đá. Tôi mong HĐXX xem xét lời kêu oan của tôi…”.

Các bị cáo khác đồng loạt nhận lỗi, xin giảm án

Phát biểu lời cuối trước toà, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên TGĐ của Ngân hàng ACB) nói: Tôi không có động cơ làm trái, không có ý thức làm trái và không thể làm trái. Chúng tôi không có bất cứ hưởng lợi cá nhân nào trong 2 vụ việc. Đầu óc tôi không có mầm mống nào về ý thức làm trái. “Tôi lớn lên trong gia đình bố tôi làm giáo sư, mẹ tôi làm giáo viên. Thần tượng của chúng tôi thời đó là Mã Lương, Paven… Tôi được học ở Liên Xô cũ trong môi trường khoa học nêu cao những giá trị về tri thức và tuân thủ, làm đúng. Tất cả những điều đó tạo cho con người tôi không thể làm trái một cái gì. Tôi không oán trách bất kỳ ai, nếu oán trách, tôi chỉ oán trách chính mình vì nhà Phật đã dạy: Kẻ thù lớn nhất là chính mình. Xin sớm được cho cái tôi trở về với gia đình tôi chăm sóc con nhỏ” - bị cáo Hải nói.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ (nguyên PCT HĐQT Ngân hàng ACB) xin xem xét đã nhiều tuổi, bệnh tim mạch, lại có mẹ đã 97 tuổi phải lo lắng, chăm sóc. Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên PCT HĐQT ACB) cũng xin hưởng án treo để trở về chăm sóc mẹ già, con nhỏ.

Bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên PCT HĐQT Ngân hàng ACB) trình bày xuất thân là một giảng viên, luôn nghĩ mình là người thượng tôn pháp luật. Bị cáo Quang nói: “Tôi đã lớn tuổi, mắc nhiều chứng bệnh nhưng bố vợ tôi là liệt sỹ, đã hy sinh anh dũng. Địch bắt và tra tấn cho tới khi bố tôi chết. Mẹ vợ tôi vì sự kinh hoàng ấy mà mất. Vợ tôi 11 tuổi đã phải bơ vợ một mình cho tới khi gặp tôi là chỗ dựa duy nhất. 40 năm qua vợ tôi đã không đòi hỏi một sự đền đáp nào cho cha mẹ mình”.

Trước toà, bị cáo Quang khóc khi nói về vợ: “40 năm qua cô ấy không xin xỏ gì cả, nhưng giờ đây ở tuổi 64 bị suy tim, đủ chứng bệnh trong người, 2 đứa con ở nước ngoài, cô ấy không chịu nổi sự bơ vơ một mình ở tuổi đó. Cô ấy xin Đảng, Nhà nước một ân huệ duy nhất là cho tôi được trở về để chăm sóc cô ấy ở quãng đời còn lại”.

Còn bị cáo Huỳnh Quang Tuấn (nguyên phó tổng giám đốc ngân hàng ACB) cũng trình bày, xin HĐXX xem xét cho hưởng án treo.

Theo dự kiến, HĐXX tuyên bố sẽ tuyên án vào 14h ngày 15.12.
PHI LONG / laodong.com.vn

0nhận xét:

Đăng nhận xét