1. Tân Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên vừa đăng quang đã nhận một cơn “mưa đá” đến từ khắp nơi. Thật bất công đối với cô sinh viên hoa hậu 18 tuổi, giành vương miện là do nỗ lực của bản thân, do nhan sắc trời cho và do sự lựa chọn của ban giám khảo qua kết quả chấm điểm. Cô chẳng có tội tình gì.
Đôi khi, có những viên đá ném ra vì sự ghen tị do mình không được như người khác. Cho nên, không phải là Nguyễn Cao Kỳ Duyên mà bất cứ ai đăng quang hoa hậu cũng có thể bị “ném đá” tơi bời như vậy.
Bằng chứng là ngay sau đó, nhiều tấm ảnh hở hang được tung lên mạng được cho là của Á hậu Nguyễn Trần Huyền My. Nhiều lời phê bình, chê trách nặng nề, người ta nhân danh đủ thứ đạo đức trên đời để mắng chửi. Huyền My đã nói rõ người trong ảnh không phải là cô, nhưng những người cố tình tạo ra “vụ án” Huyền My hở hang không quan tâm đến sự thật. Có lẽ họ chỉ muốn “ném đá” người đẹp hơn mình, giỏi hơn mình, may mắn hơn mình một trận cho bõ tức.
Cứ cho rằng Nguyễn Cao Kỳ Duyên chưa phải là đẹp nhất, nhưng giành vương miện hoa hậu thì cũng chẳng sao. Trong mọi cuộc thi luôn có sự may mắn. Trong cuộc đời cũng luôn có sự may mắn.
Cứ cho rằng Nguyễn Trần Huyền My là cô gái ăn mặc hở hang trong những tấm ảnh tung lên mạng thì cũng chẳng sao. Mỗi người có một sở thích, cách chơi, cách thể hiện mình. Không vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật là được.
Nếu nhìn cuộc sống bằng sự bao dung, sẽ thấy cuộc sống đẹp đẽ hơn, an ủi hơn.
2. Sau khi cổ động viên Việt Nam bị cổ động viên Malaysia tấn công trên sân Shah Alam, nhiều tờ báo có uy tín của Malaysia lên tiếng chỉ trích cổ động viên của nước chủ nhà. Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia - ông Khairy Jamaluddin - gửi lời xin lỗi đến những người Việt Nam. Ông Khairy nhìn nhận hành động của cổ động viên Malaysia là rất đáng xấu hổ.
Những gì người Malaysia bày tỏ đủ để cho cổ động viên Việt Nam bỏ qua vụ tấn công. Cho nên, trong trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình, hãy đón tiếp cổ động viên Malaysia một cách lịch sự, tôn trọng, vui vẻ. Nếu lăm le chờ họ sang để “trả thù” thì quả là không hào hiệp.
Cuộc sống ngày càng xấu đi vì thiếu lòng bao dung. Đừng nghĩ đến trả thù, trả đũa.
3. Cũng như đối với người có sai phạm, đã bị xử lý, đã nhận khuyết điểm, đã có lời xin lỗi, thì không nên “truy cùng đuổi tận” bằng những lời lẽ quá nặng nề. Mỗi ngày phải chịu những trận “ném đá” đến từ khắp nơi, chắc khó ai có thể sống nổi. Không chỉ đối với cá nhân người vi phạm, mà còn vợ con, cha mẹ, người thân của họ.
Hãy tỏ ra bao dung ngay cả với những người đã ngã ngựa.
LÊ THANH PHONG / laodong.com.vn
Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014
Ba câu chuyện về sự bao dung
Bài viết liên quan:
0nhận xét:
Đăng nhận xét