Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Xe đi mượn, xe thuộc sở hữu chung sẽ xử lý như thế nào?

Bạn đang xem bài "Xe đi mượn, xe thuộc sở hữu chung sẽ xử lý như thế nào?" tại mục PHÁP LUẬT trên Blog Tin Hay.

(PL&XH) - Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, đề xuất tịch thu xe là có căn cứ theo Điều 26 Luật xử phạt Vi phạm hành chính (VPHC). Trường hợp cho mượn xe là quan hệ dân sự giữa bên cho mượn và người đi mượn, nên cần tách bạch với hành vi vi phạm hành chính để xử lý. Luật sư Tạ Anh Tuấn, văn phòng luật sư Bách Gia luật cho rằng: “Nếu đề xuất này được áp dụng khả năng chồng chéo luật sẽ rất lớn”.
Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định những trường hợp nào mới bị tịch thu phương tiện thưa ông?
Tôi thấy rằng Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về vấn đề này cũng chưa rõ ràng. Cụ thể, Điều 26, Luật Xử lý VPHC quy định rất chung chung: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.
Do vậy, nếu muốn tịch thu phương tiện VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trước hết các nhà làm luật sẽ phải quy định một cách thật cụ thể rõ ràng, hành vi nào là “hành vi VPHC nghiêm trọng, do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”? Có như vậy thì khi đưa quy định này vào cuộc sống mới đảm bảo tính khả thi, không gây tranh cãi.
Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Luật Xử lý VPHC hiện nay quy định các hình thức xử lý vi phạm như thế nào thưa luật sư?
Tùy từng mức độ, người vi phạm có thể bị cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Có thể bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Hình thức xử phạt quy định bao gồm hình thức xử phạt chính, và cả những hình thức xử phạt bổ sung. Nhưng hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Về mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; an ninh trật tự; an toàn xã hội được quy định mức phạt tiền đến 40.000.000 đồng. Trường hợp tổ chức vi phạm, mức phạt gấp đôi so với mức phạt đối với cá nhân.

Về vấn đề tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, luật cũng quy định việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến VPHC, được áp dụng đối với VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật VPHC để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý VPHC đôi với người vi phạm giao thông. Ảnh: Sỹ Hào

Có ý kiến cho rằng trường hợp cho mượn xe là quan hệ dân sự giữa chủ xe và người mượn, còn việc VPHC là việc khác, phải bị pháp luật xử lý. Luật sư cho biết quan điểm về vấn đề này?
Về quan điểm của lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng cần tách bạch quan hệ dân sự với VPHC trong trường hợp mượn xe để xử lý. Ở góc độ là một luật sư tôi cho rằng không ổn, bởi lẽ, có nhiều trường hợp tài xế điều khiển xe nhưng không phải là chủ xe – người lái có thể là người mượn xe, thuê xe, tài xế lái thuê cho DN, đặc biệt là trường hợp tài sản hình thành sau hôn nhân (hai vợ chồng sở hữu chung một phương tiện, nhưng về mặt thủ tục chỉ một người đứng tên tài sản).
Hơn nữa, trong trường hợp chủ xe cho người khác mượn xe, mà người mượn xe vi phạm hành chính, thì không thể xác định được “lỗi cố tình” của người chủ xe trong việc cho người khác mượn xe để người ta phạm lỗi.
Ông có thể đưa ra ví dụ, để thấy rõ hơn về những “bất cập” trong đề xuất tịch thu xe?
Ví dụ, trường hợp mượn xe máy thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản, bị truy đuổi chạy vào đường cao tốc bất ngờ bị CSGT chốt chặn trên đường cao tốc dừng xe, vì lỗi đi vào đường cấm. Trong tình huống trên vấn đề tài sản của chủ sở hữu rất khó giải quyết vì có sự mâu thuẫn chồng chéo giữa các quan hệ pháp luật như: pháp luật hình sự, dân sự, hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Cụ thể, hành vi của người mượn xe trong trường hợp trên cùng một lúc vi phạm pháp luật về hình sự – cướp tài sản, và Luật Xử phạt VPHC, theo đề xuất có thể bị tịch thu phương tiện do người điều khiển vi phạm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra việc xử lý tài sản hợp pháp của người chủ sở hữu ra sao?
Thực tiễn xét xử thì thấy rằng, người mượn xe trong trường hợp trên sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS; về dân sự trong vụ án hình sự là chiếc xe máy của chủ sở hữu được giải quyết theo quy định BLDS và được giải quyết trong cùng một vụ án cướp tài sản.
Theo đó, tài sản là chiếc xe máy được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp, nếu chủ sở hữu hợp pháp khi cho mượn xe không biết người mượn xe của mình lại sử dụng chiếc xe ấy thực hiện hành vi phạm pháp. Vậy theo quy định BLDS về quyền tài sản của chủ sở hữu, không thể tịch thu xe máy của chủ sở hữu trong các trường hợp tương tự như thế này được.
Từ tình huống trên đề xuất tịch thu phương tiện của những người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, hoặc người điều khiển ô tô trong tình trạng “say xỉn” tại thời điểm này là không phù hợp, bất cập và chồng chéo, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của chủ phương tiện. Nếu cứ thực hiện, thì nhiều khả năng sẽ phát sinh các tranh chấp dân sự khác cũng rất phức tạp. Trong khi tinh thần của luật pháp là ngăn chặn, hạn chế những tranh chấp (nhìn thấy được) có thể nảy sinh trong cuộc sống.  
Luật sư đề xuất giải pháp “tháo gỡ” cho vấn đề này như thế nào?
Để tránh được sự chồng chéo bất cập nêu trên, theo tôi không nhất thiết phải tịch thu phương tiện của người vi phạm. Có nhiều giải pháp khác, có thể tăng mức xử phạt chính đối với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, bằng hình thức phạt tiền tương đương với giá trị phương tiện vi phạm. Riêng đối với trường hợp người điều khiển ô tô trong tình trạng “say xỉn”, nếu mức phạt tiền theo quy định hiện nay chưa đủ sức răn đe, thì nên tăng mức xử phạt tiền – nhưng không nhất thiết là mức phạt bằng giá trị tài sản.
Ngoài ra áp dụng thêm hình thức phạt bổ sung tạm giữ phương tiện vi phạm có thời hạn, để đảm bảo cho việc xử phạt VPHC. Chỉ bàn giao lại phương tiện khi người vi phạm đã chấp hành nộp phạt. Trong trường hợp đến thời hạn nộp phạt người vi phạm không đến nộp phạt để nhận bàn giao phương tiện thì tịch thu phương tiện và xử lý bán đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 26, Điều 82 Luật xử phạt VPHC.
Trân trọng cảm ơn luật sư về ý kiến chia sẻ!
Luật sư Tạ Anh Tuấn: “Đề xuất tịch thu xe mô tô đi vào đường cao tốc có biển cấm, hay tịch thu ô tô của tài xế “say xỉn” tại thời điểm này là không phù hợp. Nếu cứ thực hiện, thì nhiều khả năng sẽ phát sinh các tranh chấp dân sự khác cũng rất phức tạp. Trong khi tinh thần của luật pháp là ngăn chặn, hạn chế những tranh chấp (nhìn thấy được) có thể nảy sinh trong cuộc sống”.

0nhận xét:

Đăng nhận xét