Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Từ loạn bằng cấp đến bằng giả

Công an TPHCM phối hợp với Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất bằng giả cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Hoạt động từ tháng 2.2014 đến nay, “cơ sở” sản xuất này đã bán được khoảng 600 bằng giả các loại, cho thấy thị trường khá sôi động, rất giàu “tiềm năng”.


(Minh họa: Ngọc Diệp)
Giá bằng tiến sĩ từ 7 – 9 triệu đồng. Quá rẻ và quá dễ để trở thành ông nghè.

Không như loại bằng thông thường người ta có đi học, học dốt, học cho có gọi là học giả, nhưng nhận bằng thật. Loại bằng này giả hoàn toàn, không học và bằng cấp cũng phù phép.

Dù không nguy hiểm như loạn bằng cấp, nhưng bằng giả có tác hại cho xã hội.

Thị trường có cầu mới có cung. Như vậy là vẫn có nạn sử dụng bằng giả để phục vụ cho mục đích riêng, cho nên mới có người sản xuất bằng giả để cung cấp.

Câu hỏi đặt ra là 600 bằng giả được ra lò đó đã đi về đâu. Bắt được đường dây sản xuất này, công an có thể truy tìm ra những người mua bằng giả. Những người mua bằng giả đó đã nộp vào cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nào. Có thể khi tiếp nhận hồ sơ, đơn vị tiếp nhận phát hiện ra bằng giả, nhưng cũng có thể không phát hiện.

Nếu như không phát hiện được bằng giả, cơ quan, doanh nghiệp giao việc cho những người sử dụng bằng giả, thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công việc. Những người dám mua bằng giả để đi xin việc hoặc thực hiện một mục đích nào đó, chắc chắn là người không trung thực, họ có thể tiếp tục lừa dối trong các trường hợp khác. Những đối tượng này không thể không truy cho ra.

Công an mới triệt phá một đường dây làm bằng giả, nhưng ai dám chắc rằng không còn đường dây nào khác. Vậy thì cũng chẳng ai biết hiện có bao nhiêu bằng giả đang lưu hành trong xã hội. Nguy lắm thay.

Xã hội đã không mấy tin vào các vị chìa bằng tiến sĩ ra, cho dù tiến sĩ đó là bằng thật, nay lại càng hoang mang khi thông tin bằng giả được sản xuất như thiệp mời đám cưới, toàn con dấu “củ khoai”. Loạn này không dẹp được thì ai còn dám tin vào bằng cấp ở xứ sở này nữa.

Nhưng trước khi chờ đợi công an dẹp hết các đường dây sản xuất bằng giả, truy ra hết những kẻ mua và sử dụng bằng giả, thì các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy tự bảo vệ mình trước. Khi tiếp nhận hồ sơ có văn bằng, chứng chỉ học thuật, tốt nhất là sử dụng nhiều kênh để kiểm tra, xác minh. Nếu phát hiện ra bằng giả, không chỉ tránh được một cú lừa nguy hiểm, mà còn giúp công an tìm ra thủ phạm mua và sử dụng bằng giả.

Cũng từ vụ bằng cao đẳng, thạc sĩ, tiến sĩ giả này để thấy, các loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia A, B, C đang lưu hành hiện nay thật ít giả nhiều.

Chuộng hình thức, bằng cấp mà không quản lý tốt thì hậu quả là loạn bằng cấp và bằng giả là không tránh khỏi.


------

XEM THÊM BÀI:

Sản xuất hơn 500 bằng cấp, chứng chỉ giả trong vòng 1 năm

Các đối tượng nhận làm tất cả các loại bằng giả từ cao đẳng đến tiến sĩ với giá từ 5 – 9 triệu đồng. Trong gần 1 năm qua, đường dây này đã sản xuất hơn 500 bằng cấp chứng chỉ giả và tiêu thụ trên khắp cả nước.

Ngày 14/1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TPHCM cho biết, vừa triệt phá thành công một đường dây sản xuất bằng giả quy mô lớn do đối tượng Phạm Đăng Thành (25 tuổi, quê tỉnh Quảng Ngãi, tạm trú quận 1) cầm đầu.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất bằng giả bị bắt giữ
Hiện công an đang tạm giữ 9 đối tượng có liên quan để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”.

Theo cơ quan công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đầu năm 2014 công an TPHCM phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an phát hiện một đường dây sản xuất bằng giả quy mô lớn nên lập chuyên án để đấu tranh.

Sau một thời gian dài theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động của các đối tượng trong đường dây này.

Ngày 12/1, trinh sát PC45 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an khám xét nhiều địa điểm ở phường 6, phường 8 thuộc quận Gò Vấp và ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tang vật thu giữ gồm: 3 máy tính, 2 máy in, 1 máy sấy, 2 máy photocopy, 39 mộc tên, 7 mộc tròn, 7 mộc số, 5 mộc vuông, 197 học bạ, 28 bảng điểm và nhiều giấy tờ liên quan phục vụ việc sản xuất bằng giả.

Công an đã mời 13 người có liên quan về trụ sở làm việc. Qua sàng lọc, công an đã ra lệnh bắt tạm giam 9 đối tượng để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”.
Các bằng giả bị thu giữ
Các đối tượng khai nhận, bắt đầu làm giả bằng cấp từ tháng 2/2014 đến nay. Trong gần 1 năm qua, đường dây này đã sản xuất hơn 500 bằng cấp, chứng chỉ giả bán cho khách hàng trên khắp cả nước.

Tại cơ quan công an, Phạm Đăng Thành khai nhận, khi khách hàng có nhu cầu đặt làm bằng giả, Thành và đồng bọn tiếp nhận thông tin và ra giá từ 5 – 9 triệu đồng tùy theo loại bằng, sau đó Thành chuyển giao cho Chu Ngọc Trung (32 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để gia công với giá từ 2-4 triệu đồng nhằm ăn chênh lệch.

Hiện công an đang mở rộng điều tra về đường dây sản xuất bằng giả này và truy bắt các đối tượng liên quan.

0nhận xét:

Đăng nhận xét