Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Nga “tấn công quyến rũ”, kéo Ấn Độ ra khỏi "vòng tay" của Mỹ

Trong khoảng thời gian 6 tuần, Ấn Độ sẽ tiếp đón lãnh đạo của 2 cường quốc vốn là đối thủ của nhau tới thăm: Tổng thống Nga và Mỹ, từ đó có thể lâm vào thế khó xử trong bối cảnh Moscow và Washington đang ra sức tìm kiếm sự ủng hộ trong các vấn đề Syria, Iran, đặc biệt là Ukraine.


Trên thực tế, đối với những vấn đề trên, New Delhi lâu nay vốn tỏ ra thờ ơ, thường chỉ “quan sát từ xa”. Vậy liệu họ có thể tiếp tục duy trì lập trường trên và kết bạn với cả 2 quốc gia vốn là đối thủ của nhau và thường xuyên kình địch?

Giới phân tích nhận định, Tổng thống Putin đang tìm cách xây dựng một liên minh chính trị trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây cô lập sau khi Moscow bị tố can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như “đạo diễn” xung đột ở miền Đông nước này.

Dưới sức ép cả về kinh tế từ phương Tây, Moscow đang chuyển hướng đẩy mạnh hợp tác với châu Á – khu vực được đánh giá là năng động nhất thế giới - nhằm bù đắp cho những mất mát mà các lệnh trừng phạt gây ra.

Do đó, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Ấn Độ bắt đầu từ hôm nay nhắm tới 2 mục đích - “ve vãn, lôi kéo” Ấn Độ đứng về phía Nga và thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.

Tổng thống Nga Putin (phải) bắt tay với Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Trong một cuộc phỏng vấn với một hãng thông tấn hàng đầu của Ấn Độ ngày 10.12, Tổng thống Putin mô tả, mối quan hệ Nga-Ấn Độ là quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Ấn Độ và Nga chia sẻ nhiều lợi ích chung về vấn đề Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố, chống buôn bán ma túy. Ông Putin nhấn mạnh, sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với Ấn Độ. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga hứa hẹn sẽ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ của Nga cho Ấn Độ trong các lĩnh vực không gian, quân sự, khoa học – vốn là những vấn đề New Delhi rất quan tâm.

Trong chuyến thăm tới Ấn Độ, Tổng thống Putin mang theo nhiều đề xuất hợp tác rất đáng kể bao gồm: Một hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD nhằm xây dựng 25 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ; Hợp đồng dài hạn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng với giá ưu đãi; Hợp đồng mua bán máy bay dân sự; Thỏa thuận cấp phép cho tập đoàn dầu khí nhà nước của Ấn Độ quyền khai thác ở khu vực Bắc Cực giàu dầu mỏ của Nga…

Về phần mình, trong một bài trả lời phỏng vấn hồi đầu năm nay, Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ quan điểm của ông cho rằng, trật tự thế giới đang thay đổi. Các quốc gia cũng đang chuyển từ thế đối đầu sang hợp tác. Ông nhấn mạnh: “Nếu quan sát kỹ, sẽ dễ nhận thấy rằng, tất cả các nước đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước khác. Họ có thể nằm trong một khối này, mà vẫn tiếp tục hợp tác với các đối thủ của mình”.

Khi được đề nghị phát biểu suy nghĩ về việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3, Thủ tướng Modi không bày tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối một cách rõ ràng mà khôn khéo nhấn mạnh rằng: “Trong thế giới hiện nay, có rất nhiều người muốn “dắt mũi” người khác. Nhưng thẳng thắn nhìn sâu vào bên trong họ, họ cũng phạm những lỗi lầm nào đó”.

Bình luận trên của Thủ tướng Modi được xem là ngầm ám chỉ đến những sai lầm trong chính sách đối ngoại của Washington. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ấn Độ không công khai chỉ trích Mỹ mà thay vào đó, khôn khéo nhấn mạnh quan điểm cho rằng: Mỗi quốc gia đều có các hệ thống giá trị riêng cũng như những lỗ hổng dễ nhận thấy.

Quan điểm Ấn Độ hiện nay là kết bạn và tìm kiếm các cơ hội. Nguyên nhân đơn giản là vì yếu tố trung tâm trong chính sách đối ngoại mới của New Delhi là ngoại giao kinh tế. Và lý do Thủ tướng Modi tích cực công du khắp thế giới ngay trong những tháng đầu tiên nhậm chức – từ Rio, New York, Tokyo cho tới Sydney – không chỉ vì ông muốn chính sách đối ngoại mà còn vì Modi muốn mang về cho Ấn Độ các hợp đồng kinh tế.

Xuất phát từ mục tiêu trên, New Delhi đã tổ chức tiếp đón rất long trọng Tổng thống Putin khi ông đến thăm Ấn Độ vào tuần này.

Nga là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về vũ khí; Còn Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nga là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới; Trong khi, Ấn Độ là một trong những nước tiêu dùng dầu mỏ, khí đốt lớn nhất.

Dù trong những năm gần đây, Mỹ đang là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, song Nga hoàn toàn có khả năng đảo ngược tình thế miễn là Mosocw và New Delhi hiểu và nắm bắt được nhu cầu của nhau.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley cho biết, nước này đã mua vũ khí trị giá gần 5,5 tỷ USD từ Mỹ trong vòng 3 năm qua, vượt qua số lượng mua từ Nga trị giá khoảng 4 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian. Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin, đang có thêm nhiều hợp đồng đang được ký kết giữa New Delhi và Washington. Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ tới thăm New Delhi vào tháng 1.2015 khi là khách mời danh dự trong một lễ kỷ niệm quốc gia của Ấn Độ.

Phương Đăng / Dân Việt (theo CNN, CSM)

0nhận xét:

Đăng nhận xét